Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Các giai đoạn khi học Tiếng Anh ở trẻ.

Ngôn ngữ nói sẽ được hình thành trước kỹ năng đọc và viết một cách hết sức tự nhiên qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn im lặng



Khi các em bé học ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, sẽ tồn tại một giai đoạn gọi là “giai đoạn im lặng”, theo đó các bé sẽ chỉ nhìn, lắng nghe và giao tiếp thông qua các biểu cảm trên gương mặt hoặc động tác trước khi các bé bắt đầu biết nói. Khi trẻ em học tiếng Anh, cũng có một “giai đoạn im lặng” tương tự như vậy, các em sẽ tìm hiểu và nhận biết trước khi thực sự nói được bất kỳ từ tiếng Anh nào.

Trong giai đoạn này, phụ huynh không nên bắt trẻ lặp đi lặp lại các từ. Ngôn ngữ nói chỉ nên một chiều – tức là phụ huynh nói để trẻ có cơ hội nhận biết ngôn ngữ. Nếu phụ huynh dùng giọng điệu nựng nịu (parentese) để kích thích việc học, trẻ có thể sẽ dùng những cách thức giống như khi trẻ học ngôn ngữ mẹ đẻ để học tiếng Anh.

Bắt đầu tập nói



Sau một thời gian nhất định, tùy thuộc vào tần suất học tiếng Anh của trẻ, trẻ (bé gái thường học nhanh hơn bé trai) sẽ bắt đầu nói các từ đơn giản (‘cat’, ‘house’) hoặc các cụm từ ngắn có sẵn (‘What’s that?’, ‘It’s my book’, ‘I can’t’, ‘That’s a car’, ‘Time to go home’) trong khi nói chuyện với mọi người hoặc không có chủ định trước. Trẻ đã ghi nhớ những từ và cụm từ này, bắt chước cách phát âm một cách chính xác mà không nhận ra rằng trong đó có cả một số cụm từ. Giai đoạn này tiếp diễn trong một khoảng thời gian nhất định theo đó trẻ tiếp tục thu nạp thêm ngôn ngữ một cách máy móc và sử dụng chúng để giao tiếp cho đến khi trẻ có thể tự hình thành nên các cụm từ của riêng mình.

Hình thành ngôn ngữ tiếng Anh



Dần dần, trẻ xây dựng nên các cụm từ bao gồm 1 từ đơn mà trẻ đã ghi nhớ một cách vô thức từ trước và đồng thời thêm vào đó vốn từ vựng của mình (‘a dog’, ‘a brown dog’, ‘a brown and black dog’) hoặc chủ động thêm vào các yếu tố mang tính cá nhân (‘That’s my chair’, ‘Time to play’). Tùy thuộc vào việc trẻ tiếp xúc với tiếng Anh có thường xuyên hay không và chất lượng của quá trình tiếp xúc đó như thế nào mà dần dần trẻ sẽ hình thành được các câu nói hoàn chỉnh.

Nhận thức

Hiểu được một ngôn ngữ bao giờ cũng quan trọng hơn chỉ nói ra ngôn ngữ đó một cách máy móc. Chúng ta không nên đánh giá thấp khả năng nhận thức của trẻ nhỏ vì các em đã quen với việc nhận thức ngôn ngữ mẹ đẻ của mình trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Mặc dù các em có thể không hiểu tất cả những từ mình nghe được bằng ngôn ngữ mẹ đẻ nhưng các em lại nắm bắt được bản chất của vấn đề - đó là chỉ cần hiểu được một vài từ quan trọng, rồi sử dụng các manh mối khác nhau để đoán ra các từ còn lại và từ đó hiểu được nghĩa của cả câu. Với sự động viên đúng mức, các em sẽ sớm vận dụng được các kĩ năng này để hiểu được ngôn ngữ tiếng Anh.

Thất vọng

Sau những buổi học tiếng Anh đầu tiên đầy mới lạ, một số trẻ nhỏ sẽ cảm thấy thất vọng vì không thể biểu đạt suy nghĩ của mình bằng tiếng Anh. Một số khác lại muốn nói tiếng Anh cũng nhanh như khi học tiếng mẹ đẻ. Trẻ có thể vượt qua được sự thất vọng này nếu ta cung cấp cho trẻ các “phiếu thành tích” như “Tôi có thể đếm đến 12 bằng tiếng Anh” hoặc các bài vần đơn giản bao gồm các cụm từ có sẵn.M

Mắc lỗi

Chúng ta không nên nói với trẻ rằng các em đã mắc lỗi vì bất kì hành vi sửa lỗi nào của chúng ta cũng sẽ ngay lập tức khiến trẻ nhụt chí. Lỗi ở đây có thể là lỗi phát âm hoặc lỗi sử dụng ngữ pháp. “I goed” sẽ nhanh chóng chuyển thành “went” nếu đứa trẻ nghe thấy người lớn đáp lại là “yes, you went”; hoặc nếu người lớn nghe thấy trẻ nói “zee bus” và lặp lại là “the bus”. Cũng giống như khi học tiếng mẹ đẻ, nếu trẻ có cơ hội được nghe người lớn lặp lại ngôn ngữ theo cách đúng thì trẻ rồi sẽ tự mình sửa lỗi sai đó.

Khác biệt về giới


Não bộ của các bé trai phát triển khác với các bé gái và điều này ảnh hưởng đến việc các bé trai thu nhận và sử dụng ngôn ngữ. Đôi khi các lớp học có cả nam và nữ không để ý đúng mức đến việc các bé trai có thể bị lu mờ trước khả năng sử dụng ngôn ngữ bẩm sinh của các bé gái. Để giúp các bé trai phát huy tiềm năng của mình, các em phải được học ngôn ngữ trong một môi trường khác với các bé gái và chúng ta cũng không nên so sánh kết quả mà các em đạt được với thành quả của các bé gái.

Môi trường học ngôn ngữ

Nếu không có môi trường học phù hợp cùng với sự hỗ trợ đúng mức của phụ huynh, việc học tiếng Anh của trẻ nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Trẻ nhỏ phải cảm thấy an toàn và hiểu được rằng việc sử dụng tiếng Anh là cần thiết.
Các hoạt động trong quá trình học phải tương thích với các hoạt động hàng ngày mà các em đã biết, ví dụ, chia sẻ một quyển truyện tranh bằng tiếng Anh hay đọc một bài thơ bằng tiếng Anh…
Các hoạt động này phải đi kèm với việc phụ huynh đưa ra những nhận xét liên tục bằng giọng điệu nựng nịu trong suốt quá trình diễn ra hoạt động.
Các giờ học tiếng Anh phải thú vị và vui vẻ, tập trung vào những khái niệm mà trẻ đã biết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Bằng cách này, trẻ không phải học 2 thứ cùng 1 lúc, một khái niệm mới và một ngôn ngữ mới, mà đơn giản chỉ là học cách sử dụng tiếng Anh để nói về một điều mà các em đã biết.
Các hoạt động này phải sử dụng các đồ vật hỗ trợ khi cần thiết, điều này giúp cho trẻ nhận thức nhanh hơn và đồng thời tăng hứng thú của trẻ.

Đọc

Những trẻ em đã có thể đọc bằng ngôn ngữ mẹ đẻ thường luôn muốn tìm cách để đọc được bằng tiếng Anh. Các em đã biết cách giải mã để hiểu được ý nghĩa của các từ chưa biết trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Các em có thể sẽ sử dụng các kỹ năng giải mã này trong việc học tiếng Anh và kết quả là đọc tiếng Anh bằng giọng địa phương của mình.
Trước khi có thể giải mã được tiếng Anh, trẻ nhỏ phải biết 26 chữ cái và các âm. Vì tiếng Anh có 26 chữ cái nhưng lại có trung bình 44 âm (tiếng Anh chuẩn) nên việc giới thiệu các âm còn lại nên đợi đến khi trẻ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng và đọc ngôn ngữ.
Việc bắt đầu đọc bằng tiếng Anh sẽ trở nên dễ dàng nếu trẻ nhỏ đã biết về ngôn ngữ này. Rất nhiều trẻ tự học cách đọc tiếng Anh nếu các em được xem chung sách truyện có hình ảnh với người lớn hoặc học các bài vần vì các em có xu hướng ghi nhớ ngôn ngữ. Học thuộc lòng là một bước quan trọng trong việc học đọc vì nó cho trẻ cơ hội tự mình tìm ra cách giải mã các từ đơn giản. Một khi trẻ đã hình thành nên một ngân hàng từ vựng mà các em có thể đọc được, các em sẽ trở nên tự tin hơn và sẵn sàng cho các phương pháp tiếp cận phức tạp hơn.

Hỗ trợ của phụ huynh



Trẻ em cần cảm thấy rằng mình đang tiến bộ. Các em cần có sự động viên thường xuyên cũng như sự khen ngợi khi đạt được những kết quả tốt. Cha mẹ có cơ sở vững chắc để đóng vai trò là người động viên cổ vũ và giúp đỡ trẻ trong quá trình học tập, thậm chí ngay cả khi cha mẹ chỉ có kiến thức cơ bản về tiếng Anh và cũng đang phải cùng học với các con mình.

Bằng cách chia sẻ, các bậc phụ huynh không chỉ có thể đưa các hoạt động và ngôn ngữ của trẻ vào cuộc sống gia đình hàng ngày mà còn tác động đến thái độ của trẻ trong việc học ngôn ngữ và học các nền văn hóa khác. Hầu hết mọi người đều đã thừa nhận các tính cách sẽ đi theo ta trong suốt cuộc đời được hình thành ở độ tuổi lên 8 hoặc lên 9.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Close [X]